(Baohatinh.vn) - Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa V (ngày 27/12/1975) về việc điều chỉnh một số đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, từ năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh.
Hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập (1831 - 2021), 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021), Báo Hà Tĩnh xin giới thiệu đến bạn đọc truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Hà Tĩnh, quá trình thành lập, phát triển trong 190 năm qua và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh. |
Núi Nài năm 1976 (Ảnh Sỹ Ngọ)
Trải qua 2 kỳ kế hoạch xây dựng CNXH (từ năm 1976 - 1985), tình hình KT-XH vùng Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đặc biệt, sau 3 năm phấn đấu quyết liệt, ngày 26/3/1979, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ hoàn thành. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã mở hội mừng công trọng thể. Từ đây, 30 vạn Nhân dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ thoát cảnh hạn hán. Kẻ Gỗ không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là một công trình văn hóa, thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của lòng dân. Hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao có nhiều chuyển biến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; tình hình chính trị - xã hội ổn định.
Đường Phan Đình Phùng, TX Hà Tĩnh năm 1993 (Ảnh Sỹ Ngọ)
Tuy nhiên, do những yếu kém, khó khăn về cả khách quan và chủ quan, cũng như tình hình chung của cả nước, đời sống của các tầng lớp nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn...
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), trong 5 năm từ 1986-1991, công cuộc đổi mới ở Hà Tĩnh đã giành được những thành tựu có ý nghĩa.
Việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong nông, lâm, ngư nghiệp đã phát huy được tác dụng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng suất, sản lượng đều tăng. Sản xuất nông sản hàng hóa đều phát triển, nhất là lạc, mía, chè. Kinh tế thủy hải sản có chuyển biến cả về quy mô sản xuất, hình thức tổ chức, hiệu quả kinh tế, nhất là tổ chức lại sản xuất và nuôi trồng thủy sản.
Chợ TX Hà Tĩnh năm 1984 (Ảnh Sỹ Ngọ)
Một số mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự tăng trưởng nhanh hơn thời kỳ trước, giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 5 năm (từ 1986-1991) tăng bình quân hằng năm 17,76%... Cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, trường học, được chú ý đầu tư xây dựng.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Quy mô giáo dục phát triển nhanh hơn trước. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể thao có nhiều khởi sắc, nhất là tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cầu Hộ Độ năm 1985
Mặc dù tình hình thế giới và trong nước cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước diễn biến phức tạp, song Hà Tĩnh vẫn đảm bảo tốt QP-AN, trật tự an toàn xã hội; tình hình chính trị, xã hội ổn định, góp phần tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển KT-XH.
-------------------------------------
Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(Còn nữa)
Theo baohatinh.vn