CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

XÂY LẮP VÀ THƯƠNG MẠI HÀ TĨNH

HATINH INDUSTRIAL DEVELOPMENT - CONSTRUCTION TRADING JOINT STOCK COMPANY

06-12-2014 - 07:37

Nguy cơ mất nhiều đơn hàng ở Đài Loan

Do lo ngại lao động VN bỏ trốn nhiều, một số nhà máy ở Đài Loan chuyển đơn hàng sang các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines...

Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, 10 tháng qua, cả nước có 58.260 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều nhất, với 17.776 người (chiếm 30,5%).

Sau giai đoạn suy giảm, hiện phần đông nhà máy, công xưởng của Đài Loan bắt đầu gia tăng nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài. Tuy nhiên, trong chuyến sang VN cuối tuần qua, ông Hoàng Khải Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Forward, cho rằng lợi thế cạnh tranh của XKLĐ VN ở thị trường này đang mất dần vào tay các nước do tình trạng lao động bỏ trốn gia tăng.

Thị trường phục hồi

Kinh tế Đài Loan đang hồi phục nhanh. Những ngành nghề truyền thống như dệt may đang thu hút một lượng lớn lao động vào làm việc. Các ngành sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, xe đạp cũng gia tăng trở lại việc tiếp nhận lao động. Ở lĩnh vực điện tử - lĩnh vực thu hút đông lao động VN, người lao động bắt đầu phải tăng ca nhiều.

Hiện một số doanh nghiệp XKLĐ của VN khai thác mạnh thị trường này như Sovilaco, Sona, TTLC, Emico... cũng đã nối lại việc cung ứng lao động bằng những hợp đồng mới.

Thông qua đối tác là Tập đoàn Forward, Emico đang bắt đầu khai thác đơn hàng tuyển dụng 35 lao động sang Đài Loan làm việc cho công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời Húc Tinh; 18 nam lao động cho một công ty sản xuất xe đạp địa hình; 35 lao động nữ cho Công ty Điện tử Kính Bằng và một hợp đồng khác cung ứng trên 100 lao động xây dựng vào tháng 2-2010.

Tình hình việc làm của lao động VN ở thị trường này rất ổn định. Theo ông Hoàng Khải Minh, hầu hết lao động VN đang làm việc ở Công ty Kính Bằng có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Ở nhiều nhà máy khác sử dụng đông lao động VN như Chí Cường, Nec, Dệt Hoa Long..., nhờ có nhiều thời giờ làm thêm, thu nhập của người lao động cũng đạt mức cao.

Cửa vào bị thu hẹp

Dù nhu cầu gia tăng trở lại nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề xin cấp giấy phép làm việc, visa cho người lao động. Do thực hiện chính sách bảo hộ việc làm cho lao động bản địa nên chính quyền Đài Loan quy định chỉ khi nào chủ sử dụng lao động chứng minh đã dành 5 chỗ làm việc cho lao động bản địa thì mới cấp visa cho một lao động nước ngoài.

Chính vì quy định nghiêm ngặt như vậy nên các nhà máy, xí nghiệp rất hạn chế việc trả lao động về nước. Chính sách trên giúp những lao động đang làm việc theo hợp đồng yên tâm hơn.

Nhưng điều đáng nói là cũng chính quy định này khiến giới chủ sử dụng lao động Đài Loan thận trọng hơn, thậm chí không dám sử dụng lao động VN. Lý do là hiện nay tình trạng lao động VN bỏ trốn nhiều và có xu hướng gia tăng.
Trong khi việc xin visa khó khăn thì việc người lao động bỏ trốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất của nhà máy vì không có lao động để thay thế. Hiện đã có một số nhà máy bắt đầu chuyển đơn hàng tuyển dụng lao động VN sang các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Điển hình như Công ty Sản xuất lốp ô tô Kiến Đại. Trước đây, công ty này chỉ sử dụng lao động Thái Lan, sau đó chuyển sang sử dụng lao động VN nhưng hiện nay do lo ngại tỉ lệ lao động VN bỏ trốn cao nên công ty này quay lại nhận lao động Thái Lan.

Ông Hoàng Khải Minh cho rằng đây là vấn đề mà XKLĐ của VN cần đặc biệt quan tâm và phải có biện pháp tháo gỡ. Nếu tình hình lao động bỏ trốn không được cải thiện, chắc chắn sẽ còn nhiều đơn hàng tiếp tục chuyển từ VN sang các nước cùng khu vực.
5% lao động VN bỏ trốn ở Đài Loan
Thông qua các đơn hàng do Forward khai thác, đến nay có khoảng 10.000 lao động VN được ký hợp đồng sang Đài Loan làm việc.

Chỉ tính riêng số lao động sang Đài Loan theo đơn hàng do Forward cung cấp, tỉ lệ lao động bỏ trốn chiếm từ 3%-5%. Ông Hoàng Khải Minh cho biết tỉ lệ này sẽ còn cao hơn nếu tính trên tổng số lao động XKLĐ VN ở thị trường này.

Một bộ phận không nhỏ lao động thiếu việc, mất việc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế không tìm được việc làm mới hoặc chuyển chủ theo quy định nên trốn ở lại, làm gia tăng tình trạng trên.
. . . . .